So sánh đặc điểm, ứng dụng của cầu dao và cầu chì
Cầu dao điện và cầu chì là 2 thiết bị đều có chung 1 mục đích là ngăn dòng quá tải để tránh chập cháy đường dây không mong muốn. Cả 2 thiết bị đều có khả năng ngắt tức thời dòng điện, nhưng cơ chế hoạt động và ứng dụng thực tế lại khác nhau. Bài viết sau đây BTB Electric sẽ giúp bạn phân biệt cầu chì và cầu dao điện một cách chi tiết.
Tìm hiểu về cầu chì
Cầu chì (Fuse) là thiết bị có khả năng ngắt dòng điện chạy qua bằng cơ chế tự uốn cong hoặc tan chảy phần kim loại bên trong khỏi mạch điện. Loại thiết bị này đã có mặt từ năm 1890 và được ứng dụng rộng rãi trong tất cả công trình, hệ thống sử dụng điện từ đó tới nay.
Cầu chì có thành phần chính là dây chì mắc nối với 2 đầu dẫn của mạch điện. Bên cạnh đó là phần hộp giữ cầu chì, các chấu mắc và nắp cầu chì. Vỏ ngoài cầu chì thường được làm từ gốm, thủy tinh hoặc kim loại sơn cách điện.
Trong hệ thống điện, cầu chì được đặt tại hộp cầu chì trung tâm, từ đây mạch điện sẽ dẫn từ lưới điện đi khắp khu vực trong hệ thống.
Cầu chì cho phép dòng điện đi qua dây tóc (hoặc dây kim loại) của mình trong trường hợp dòng điện ổn định. Trường hợp quá tải điện, cầu chì tự tan chảy để ngắt mạch dòng điện. Cầu chì chỉ hoạt động một lần và nếu bị cháy, xì, nổ cần thay cầu chì mới để mạch điện tiếp tục hoạt động.
Tìm hiểu về cầu dao
Cầu dao (Circuit Breaker) là thiết bị đóng ngắt mạch sử dụng được nhiều lần. Cầu dao có loại truyền thống (đóng ngắt mạch bằng tay) và loại tự động đóng ngắt – còn gọi là aptomat. Cầu dao có thể phát hiện trường hợp quá tải điện, ngắn mạch hoặc một số trường hợp đặc thù khác.
Các bộ phận chính của cầu dao bao gồm các tiếp điểm, hộp dập hồ quang, cơ cấu truyền động cắt, móc bảo vệ và một số thành phần khác. Cầu dao sử dụng cơ chế đóng mở móc bảo vệ để ngắt mạch điện. Trường hợp phát hiện quá tải điện hoặc sụt áp, lò xo gắn với một đầu móc sẽ co lại, kéo đầu móc đó rời khỏi đầu móc còn lại làm ngắt mạch điện.
Cầu dao và cầu chì khác biệt như thế nào?
Nhìn từ bên ngoài có thể nhận thấy sự khác biệt đầu tiên về thiết kế của cầu chì và cầu dao. Trong khi cầu chì có dạng hộp chữ nhật dài hoặc ống tròn kín đáo thì cầu dao điện có thêm phần cần gạt nhô lên phía trước.
Trong khi cầu chì chỉ bảo vệ mạch điện khi xảy ra quá tải điện thì công dụng của cầu dao điện là bảo vệ mạch điện khi quá tải điện, ngắn mạch, rò điện, lỗi nối đất hoặc một số rủi ro khác.
Từ nguyên lý hoạt động khác nhau dẫn tới tuổi thọ của cầu chì và cầu dao cũng khác nhau. Cầu chì sau lần nóng chảy do quá tải điện thì không thể sử dụng tiếp mà phải thay mới. Trong khi cầu dao với cơ cấu đóng ngắt tự động, có thể tái sử dụng rất nhiều lần, chỉ cần đặt lại sau mỗi lần nhảy. Tuy nhiên cầu chì lại ngắt mạch nhanh hơn cầu dao.
=>> Xem thêm: So sánh aptomat và cầu chì
Nên sử dụng cầu chì hay cầu dao?
Có thể nhận thấy cầu dao an toàn hơn cầu chì bởi nguyên lý hoạt động linh hoạt hơn, chất liệu sử dụng an toàn hơn, hoạt động mà không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ môi trường và có thể tái sử dụng nhiều lần.
Đặc biệt là cầu dao tự động có khả năng đóng cắt mạch điện nhanh, giảm hiện tượng hồ quang và đa năng hơn nhiều so với cầu chì. Tuy nhiên chi phí lắp đặt cầu dao sẽ cao hơn cầu chì tương đối.
Cầu dao tự động hiện nay được sử dụng rộng rãi trong cả hệ thống điện 3 pha 380V và hệ thống điện 1 pha 220V. Có đa dạng các loại cầu dao như MCB, MCCB là cầu dao bảo vệ quá tải và ngắn mạch; RCCB là cầu dao chống rò rỉ điện; RCBO và ELCB là sự kết hợp của các dòng cầu dao trên. Ngược lại cầu chì ngày nay chỉ được sử dụng hạn chế trong hệ thống điện gia đình hoặc một số hệ thống điện đặc thù.
=>> Xem thêm: Cầu dao tự động và khởi động từ khác nhau như thế nào?
Vừa rồi là những so sánh nhanh về cầu dao và cầu chì mà BTB Electric muốn gửi tới bạn. Thông qua bài viết này, bạn đã nắm được những bất cập và lợi thế khi sử dụng một trong hai thiết bị này trong hệ thống mạng điện của mình. Theo dõi thêm những kiến thức ngành điện bổ ích khác tại website: https://btb-electric.com/vi/.