Quá tải điện là gì? Nguyên nhân và cách phòng tránh
Quá tải điện là hiện tượng nguy hiểm và thường xuyên xảy ra nhất trong truyền tải và vận hành điện. Hiện tượng này khiến các thiết bị điện nóng lên, hư hại và giảm tuổi thọ, dễ dẫn đến sự cố cháy nổ điện. Phòng tránh dòng điện quá tải là việc cần làm trong bất kì hoạt động nào về điện. Tìm hiểu nguyên nhân và các xử lý, phòng ngừa quá tải trong bài viết sau từ BTB Electric.
Hiện tượng quá tải điện là gì?
Quá tải điện là hiện tượng cường độ dòng điện qua dòng vượt ngưỡng Ampe quy định. Nguyên nhân hiện tượng là do các thiết bị tiêu thụ phía phụ tải có công suất quá cao, vượt qua công suất định mức của dòng điện trong hệ thống.
Các dấu hiệu của quá tải điện:
- Cầu dao điện tự ngắt, aptomat nhảy liên tục
- Dây điện và aptomat bị nóng lên
- Ổ cắm, công tắc bị ù
- Bóng đèn chập chờn khi kết nối thêm thiết bị điện vào hệ thống
- Có mùi khét hoặc làn khói tỏa ra từ bảng điện
- Các thiết bị điện bị hỏng, bị mất điện cùng lúc
Quá tải điện gây nguy hiểm cho hệ thống với các rủi ro sau:
- Aptomat nhảy gây mất điện, gián đoạn việc sinh hoạt, sản xuất
- Thiết bị điện hoạt động sai cách hoặc bị hư hỏng, giảm tuổi thọ
- Cháy nổ, chập mạch điện gây hư hỏng thiết bị, rủi ro gây hỏa hoạn
- Tăng chi phí thay thế, bảo dưỡng thiết bị điện
Những nguyên nhân gây quá tải điện
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quá tải điện là công suất tiêu thụ phía phụ tải vượt quá công suất thiết kế của thiết bị và dây dẫn trong hệ thống.
Tiết diện của dây điện tỉ lệ thuận với công suất thiết kế. Khi sử dụng dây dẫn có tiết diện nhỏ khiến công suất định mức thấp, không đủ khả năng truyền tải điện sẽ bị quá tải. Khi quá tải trên dây dẫn, dây sẽ nóng lên do nhiệt lượng cao từ dòng điện, có thể bị đứt, bị cháy, có mùi khét và dẫn tới các sự cố nghiêm trọng hơn.
Aptomat thông thường như MCB, MCCB có chức năng bảo vệ quá tải. Khi dòng điện vượt quá giới hạn cường độ cho phép, aptomat sẽ nhảy để ngắt mạch, đảm bảo an toàn điện. Tuy nhiên dòng định mức aptomat quá thấp, không đủ đáp ứng phụ tải khiến aptomat nhảy liên tục hoặc không gạt lên được, đồng thời ảnh hưởng tới hoạt động của các thiết bị điện.
Bên cạnh đó đặt một công suất tải quá lớn lên chỉ một ổ cắm cũng khiến vị trí đó bị quá tải điện, có hiện tượng chập, nổ, có mùi khét. Ổ cắm điện thông thường chịu được mức công suất khoảng 3000W.
Ngoài ra, chính việc các thiết bị điện hư hỏng cũng tác động ngược lại đường dây, tạo điện trở thấp, cường độ dòng điện cao và gây ra đoản mạch, quá tải. Một số hiện tượng phổ biến là cháy thiết bị điện, hỏng máy biến áp, đứt dây điện, lỗi ổ cắm,…
Phòng ngừa và khắc phục hiện tượng quá tải điện
Khi xảy ra hiện tượng quá tải điện, việc đầu tiên cần ngắt cầu dao tổng để giảm thiểu thiệt hại. Sau đó, bạn cần xác định vị trí hư hại như aptomat bị cháy, dây điện bị đứt,.. để loại bỏ khỏi hệ thống và thay thế.
Tiếp theo cần xác định nguyên nhân làm quá tải điện và tìm hướng khắc phục. Trường hợp điện quá tải do aptomat nhảy, cần tính toán lại công suất sử dụng điện vào chọn aptomat có dòng định mức cao hơn. Bạn có thể xem cách tính toán tại bài viết chọn aptomat theo công suất từ BTB Electric.
Song song với việc này, bạn nên kiểm tra lại chất lượng các thiết bị điện khác, bao gồm tính toán lại tiết diện dây dẫn, kiểm tra ổ cắm, bổ sung các thiết bị đóng ngắt cần thiết, đảm bảo môi trường hoạt động tốt. Trong khi sử dụng, cần định kỳ kiểm tra hệ thống điện để phát hiện sớm các rủi ro hư hỏng liên quan đến điện. Khi cần tăng công suất phụ tải như bổ sung thêm thiết bị sử dụng điện, bạn cần tính toán lại công suất chịu tải của hệ thống.
Hiện tượng quá tải điện là tình trạng không mong muốn, ảnh hưởng đến độ bền và tuổi thọ của các thiết bị điện cũng như gây ra nguy cơ cháy nổ và mất an toàn cho người sử dụng. Để khắc phục hiện tượng này, doanh nghiệp và người dùng cần chú ý đến các nguyên nhân và áp dụng các biện pháp khắc phục hiệu quả.